Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Bình là ông mà chuột cũng ông.(Nguồn: CanhCoBlog)

Bình là ông mà chuột cũng ông.

Một lần nữa báo trong báo ngoài, lề này lề kia dậy lên tiếng chì tiếng bấc qua câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng trong buổi "họp bạn" tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về tham nhũng, người bạn chí thân của dân trong phòng lạnh mang tên "tiếp xúc cử tri" đã thủ thỉ những điều đáng thương lạ lùng. Ông nói ném chuột phải tránh chiếc bình quý. Ông cho biết "xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm".
Ông trân trọng chiếc bình quý và bảo đừng ném chuột. Bình mà vỡ thì phải làm sao? Hãy tìm cách khác mà đánh con chuột phá hại căn nhà Việt Nam. Bác Hồ dạy rồi, đánh chuột phải xem chừng chiếc bình. Làm sao diệt chuột mà vẫn giữ được bình hoa. Tức là phải giữ cho cái ổn định.
Hầy! ông nói hay và lời vàng ý ngọc đáng cho nhân dân tâm niệm.
Trước tiên, hãy nói về chiếc bình.
Ngày 6 tháng 1 năm 1930 chiếc bình mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam được bảy người hùn lại để mua tại Hương Cảng. Đó là các ông Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Người đứng tên chiếc bình đầu tiên là Trịnh Đình Cửu, sở hữu vào ngày 31 tháng 10 năm 1930, Sau đó chiếc bình được chế tác lại nhiều lần vì phẩm chất ban đầu xem ra thô sơ, khó bắt mắt người xem. Tên chiếc bình từ Đảng Cộng sản Việt Nam đổi lại thành Đảng Cộng sản Đông dương và tờ giấy chứng nhận người sở hữu chiếc bình "quý" được sang tên cho Trần Phú.
Sau nhiều lần nung lên nấu xuống, năm 1951 bình thay tên thành Đảng Lao động Việt Nam và cuối cùng sửa lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12 năm 1976.
Sau Trần Phú là Hà Huy Tập, Trường Chinh, Lê Duẩn rồi Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng . . . thay nhau đứng tên làm chủ chiếc bình ấy cho tới ngày nay.
Thay vì nói "chủ" người cộng sản thấy khó giải thích với dân bởi "chủ" là một danh từ nhơ bẩn, bóc lột nhân công, không lao động nhưng ăn trên ngồi trốc đè đầu cưỡi cổ đám bần nông. Để cho dịu tai và được mùi quyền bính, ba tiếng "Tổng bí thư" được ưu ái đặt lên vai người chủ chiếc bình quý giá ấy cho xứng với tầm cao của một ông vua trên tập thể ba triệu con người.
Chiếc bình qua nhiều đời Tổng bí thư ngày càng sáng bóng lên bởi những khẩu hiệu viết lời tự sướng. Nét họa tiết trên bình ngày một thẫm màu cờ đỏ mà nhiều đứa ganh ghét, xấu mồm nói là màu máu nhân dân. Bình được đặt trang trọng cho người dân thờ lạy thay vì cắm hoa vào đó. Bình được hiến pháp bảo vệ, chỉ một chiếc duy nhất không có cái thứ hai. Duy nhất luôn luôn là của quý. Ý của Bác Hồ nói khi xưa là thế.
Nói tới bình người dân nghĩ tới người chủ của nó là Tổng bí thư. Nói tới Tổng bí thư thì sự liên tưởng tự động vòng sang chiếc bình.
Tổng bí thư không cho ném bình do sự thật này. Ông sợ chiếc bình vỡ toang cũng có nghĩa là ông sợ cho chính bản thân ông trước tiên và sau đó kéo theo cận thần chung quanh. Giống như người dân nghèo sợ cháy nhà, bồ lúa không nói làm chi, cái quần đùi cũng không còn mà mặc. Chiếc bình cần được bảo vệ bằng hai từ ổn định. Ổn định là y như cũ, là không thay không đổi gì cả miễn sao cuộc sống ngắt ngứ của người dân đừng tuột xuống nữa là ổn thôi.
Bình là ông chính ở sự thật này.
Nhưng một sự thật khác khiến người ta có lý khi nghĩ rằng chuột cũng là ông nốt.
Ông không tham nhũng để bị gọi là chuột nhưng bất cứ điều gì có hại cho căn nhà Việt Nam đều quy ra... chuột tất.
Chuột là nhũng nhiễu dân lành là làm luật sai trái cho một thành phần nào đó. Chuột được biết tới như bằng cấp giả mà tiền lương thì thật. Chuột thập thò ở các ban bệ đục khoét công quỹ, gậm nhấm tài nguyên quốc gia. Chuột đi đêm với kẻ thù, chuột nhắm mắt nói lời dối trá. Chuột cắn xé đất đai tổ quốc và không cho người dân biết sự thật phía sau bức màn đen tối mang tên Thành Đô. Chuột phá nát văn hóa, chuột biến thành sư thầy mang nón cối cười hỉ hả, ngồm ngoàm nhậu nhẹt coi nhân gian như đám lên đồng. Chuột nhốt người cô cớ, giết hại lương dân và còn hàng tá điều ám muội.
Xem ra các thứ chuột này vận vào ông nguy hiểm hơn tham nhũng vạn lần. Tham nhũng tới hồi no thì ngừng nhưng quyền bính và sự u mê không bao giờ có giới hạn. Chiếc bình cũng là con chuột lớn nhất trong hàng trăm ngàn con chuột lúc nhúc trong hang.
Ban ngày là bình, ban đêm là chuột.
Chiếc bình quý biến hình như truyện liêu trai. Bình và chuột trước sau như một che chở cho nhau. Bình có đời bình, chuột có đời chuột nhưng nếu bình không có chuột bình chẳng thể sáng màu. Chuột không có bình che thân thì dân đã phang cho một phát.
Vậy thì có gì lạ khi chính bình bảo dân đừng ném chuột?
Và chuột không nhúc nhích vì biết có ai lại ngu si đi giết chính mình?
Cánh Cò

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Đánh chuột giữ bình hay giữ mình?

Đánh chuột giữ bình hay giữ mình?


Nguồn: BBC

TBT Nguyễn Phú Trọng đề cao nhu cầu 'giữ ổn định' khi chống tham nhũng

Sáng ngày 6/10/2014 vừa qua, đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, trong đó có tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ.
Trong đó, ông Trọng đã phát biểu về vấn đề chống tham nhũng rằng, xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển.
"Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm."
"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định."
Phát biểu trên của ông tổng bí thư đã chống lại hiến pháp do chính Đảng Cộng sản tự soạn thảo và tự ban hành mà không cần thông qua trưng cầu ý dân.
Theo điều 16 hiến pháp 2013, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Thế nhưng, khi xử lý đảng viên cộng sản cao cấp tham nhũng thì phải “nghĩ lâu dài”, rồi “không phải xới tung lên tất cả”.
Nghĩa là nếu có ai tham nhũng, làm sai, hại dân mà lãnh đạo đảng thấy đụng chạm thì có thể bỏ qua. Vậy còn với dân đen thì sao?
Để so sánh rõ hơn thân phận của dân đen với lãnh đạo cấp cao, ta có thể thấy ngay cuộc tranh luận hiện nay về quyền im lặng trong quá trình tố tụng.
Quyền im lặng là quyền của nghi can để đảm bảo không phải đưa ra bất kỳ bằng chứng gì chống lại chính mình. Đây là một quyền phổ quát trên thế giới để bảo vệ quyền con người và quyền công dân, chống lại việc sử dụng nhục hình, bức cung.
Thế nhưng, vẫn có những quan chức cho rằng “quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước Việt”, hay ngụy biện không nên áp dụng quyền im lặng để “giúp cho công tác phá án nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội”.

'Móc ng̣oặc lợi ích nhóm'


Hiến pháp không quy định quyền và nghĩa vụ của Tổng Bí thư và Bộ Chính trị

Với dân đen thì không cho áp dụng quyền im lặng, còn với đảng viên cao cấp thì có thể im lặng vì thực trạng hiện nay của giới lãnh đạo là “vấn đề lợi ích, cấu kết, móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm, ông mất chân giò, bà thò chai rượu... những quan hệ lằng nhằng với nhau” (Nguyễn Phú Trọng).
Thứ tư duy độc đoán bất công này đã dẫn đến bao nhiêu vụ án oan sai do bị bức cung, mà điển hình như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động dư luận xã hội vừa qua.
Đồng thời cũng dẫn đến rất nhiều vụ bỏ lọt tội phạm tham nhũng vì nể nang, vì “đại cục”.
Từ đó có thể thấy, khi xử dân đen như ông Chấn thì lãnh đạo đảng cộng sản không cần phải “nghĩ lâu dài”, có thể thoải mái dùng nhục hình, bức cung để buộc tội. Còn hiện trạng tham nhũng mà chính các đời tổng bí thư đều cho rằng đó là “giặc nội xâm”, “ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ” thì phải “bình tĩnh tỉnh táo”.
Tinh thần “quyết liệt” chống tham nhũng của lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền là như vậy?
Nếu thật sự đây là nhà nước pháp quyền và mọi công dân đều bình đẳng thì các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, tòa án cứ căn cứ theo pháp luật để xử lý nghi can, bất kể là dân đen hay đảng viên cao cấp. Còn đã lập ra “ban nội chính” để lãnh đạo đảng chỉ đạo xử án thì có còn là pháp quyền nữa hay không?
Ngay cả thời phong kiến, vua chúa cũng phải mị dân rằng “thiên tử phạm tội cũng bị xử như thứ dân”.
Thế nhưng tại Việt Nam ở thế kỷ 21 này, tổng bí thư – người có quyền cao nhất nước lại cho rằng đảng viên cao cấp có thể không bị xử lý vì sợ “vỡ bình”. Vậy những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã đứng trên luật pháp, dù đó là luật pháp do chính đảng cộng sản làm ra.
Như thế, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chống lại điều 4 Hiến pháp “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Tổng bí thư đã không coi điều 4 hiến pháp ra gì thì có cần giữ lại bản hiến pháp hiện nay hay không?
Hay người dân Việt Nam cần thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu ra một quốc hội lập hiến để soạn thảo lại hiến pháp mới, tạo ra một hệ thống pháp luật chuẩn mực đảm bảo tự do và công bằng cho mọi người?
Cũng cần nhắc lại rằng trên thực tế, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là người có quyền cao nhất nước, Bộ Chính trị là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng trong hiến pháp hiện hành hoàn toàn không có một dòng nào quy định quyền và nghĩa vụ của tổng bí thư, của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do không bị khống chế bởi hiến pháp và hệ thống tam quyền phân lập, quyền lực của tổng bí thư và bộ chính trị là vô tận nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm với dân thì không có.

'Đánh con chuột đừng để vỡ bình...tức là phải giữ cho được cái ổn định'

Dù lãnh đạo giỏi hay dở, phù hợp với ý dân hay không thì những người lãnh đạo vẫn tiếp tục nắm quyền
Ngược lại, công dân có đủ thứ nghĩa vụ: đóng thuế, đi lính,… nhưng lại không có một chút quyền gì, kể cả các quyền tự do căn bản như quyền tự do ứng cử, bầu cử, ngôn luận, báo chí, lập hội, lập đảng, im lặng khi bị buộc tội,…
Trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh Hong Kong đã xuống đường vì họ biết rằng để mất nền dân chủ thì các quyền tự do cũng sẽ mất theo, vì dân chủ là thể chế hóa của tự do.
Chúng ta cần tự do để sống xứng đáng là con người. Thế thanh niên, sinh viên Việt Nam nghĩ gì?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, một nhà vận động dân chủ hiện sống tại TPHCM.